Trước đó,ầyơiCứgearvn cũng có nhiều lời kêu cứu tương tự, từ bạn bè, người quen, hoặc từ cả những người xa lạ trên mạng xã hội. Vào các hội nhóm, diễn đàn, ta cũng thấy vô số lời kêu cứu tương tự. Những lời kêu cứu ngày càng nhiều, ngày càng khẩn thiết.
Điểm chung của các trường hợp này là: Con bất hợp tác, chán nản, muốn bỏ học, thích nhốt mình trong thế giới riêng, cảm thấy mọi thứ đều vô nghĩa, có nhiều suy nghĩ tiêu cực... Còn bố mẹ thì không nói chuyện được với con, mất kết nối với con; ngoài khuyên nhủ, dọa dẫm, khóc lóc và kêu cứu thì không biết làm gì khác.
Nhưng trước đó, phần lớn các con đều có cuộc sống vui vẻ, sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần bình thường. Chỉ là không hiểu vì sao, bỗng nhiên con trở nên như vậy.
Đấy là biểu hiện chung bên ngoài của phần lớn trường hợp kêu cứu này. Nhưng khi đã lắng nghe và đi sâu vào thế giới bên trong, ta sẽ thấy trồi sụt muôn vàn cung bậc cảm xúc khác nhau.
Nhẹ thì mất phương hướng, nặng thì trầm cảm đến mức phải điều trị. Nhiều trường hợp đã tự tử bất thành, không chỉ một lần mà nhiều lần.
Bế tắc và đổ vỡ!
Theo báo cáo của Bộ Y tế, Việt Nam có khoảng 15% dân số có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Còn theo báo cáo của UNICEF, có 8-29% trẻ em và vị thành niên mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Con số này tương ứng với khoảng ba triệu trẻ em đang có vấn đề, và có nhu cầu phải xử lý các vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Đây là những con số rất lớn, tuy vô ảnh vô hình nhưng đang hàng ngày hàng giờ tàn phá gia đình và cộng đồng. Hậu quả của nó đến sức khỏe cộng đồng không cần phải bàn cãi.
Vậy có cách nào để hạn chế tác hại của cơn bão này đến bản thân, gia đình và cộng đồng mình?
Tuy không phải là chuyên gia về tâm lý hay bác sĩ về sức khỏe tâm thần, nhưng là người làm giáo dục, tôi đã tiếp xúc và chứng kiến nhiều trường hợp như thế.
Sau nhiều năm, tôi rút ra một nhận định: Trong khi chờ các chuyên gia về sức khỏe tâm thần đưa ra giải pháp, mỗi gia đình phải tự cứu mình trước hết.
Bằng cách nào?
Bằng cách hiểu đúng vai trò của gia đình trong vấn đề này, là biến gia đình trở thành hầm trú ẩn cảm xúc cho mọi người, đặc biệt là con trẻ.
Khi mới sinh ra, ta được đưa vào một gia đình mà không hề được chuẩn bị trước. Tương tự, khi lập gia đình, ta sinh con đẻ cái mà cũng chưa đủ thấu hiểu các cung bậc của hôn nhân và bản chất của cuộc sống gia đình.
Cha mẹ chúng ta, bạn bè xung quanh chúng ta cũng như vậy.
Kết quả là ai cũng có một gia đình, nhưng không ai thực sự hiểu gia đình có vai trò gì với sự trưởng thành của mỗi người.
Vì không thực sự hiểu, nên chúng ta không chèo lái cuộc sống gia đình theo đúng cách: Hoặc là ta bỏ mặc cho gia đình trôi theo dòng nước tự nhiên, trồi sụt theo những xô đẩy của sóng gió cuộc đời. Hoặc là ta bắt chước cách thức cha mẹ ta đã chèo lái gia đình, dù hoàn cảnh, thời đại và mối quan tâm của gia đình ngày nay đã khác hẳn. Hoặc là ta áp dụng những kiến thức quản lý nơi công sở vào quản lý gia đình mà quên mất gia đình không phải là nơi làm việc.
Cách đầu tiên làm cho gia đình mất phương hướng. Cách thứ hai làm cho gia đình bí bách. Cách thứ ba làm cho gia đình mất cảm xúc.
Trong ba cách trên, cách thứ ba hiện đại nhất, chuyên nghiệp nhất, nhưng lại chứa đựng nhiều rủi ro, nguy hiểm nhất.
Vì gia đình là nơi mà mỗi người cảm thấy an toàn về cảm xúc, được chăm sóc về cảm xúc, chứ không phải là nơi mài giũa về lý trí.
Gia đình phải là nơi mỗi người cảm thấy được ghi nhận, an ủi, vỗ về... chứ không phải là nơi nhận các góp ý, chỉ đạo, phê bình. Nhờ có sự an toàn về cảm xúc mà trong nhà có nhiều tiếng cười hơn những lời nhắc nhở, làm cho mỗi người đều muốn trở về nhà sau một ngày học tập, làm việc nhiều sức ép.
Nếu con trẻ sống cùng bạn, thì nhờ an toàn về cảm xúc, con sẽ cảm nhận được niềm vui và sự thân thiết trong gia đình. Còn nếu con ở xa về thăm nhà, thì nhờ an toàn về cảm xúc, con cảm thấy về nhà là được "ăn chơi, nghỉ ngơi" thay vì nhận những bài giảng đạo đức.
Sau nhiều năm quan sát và thử nghiệm, tôi nhận thấy: Việc dạy con là cần thiết, nhưng phải hợp cảnh, hợp tình và đặc biệt phải đúng lúc, đúng việc.
Không nên tham dạy, không nên cài cắm các ý đồ riêng. Lại càng không nên nói nhiều.
Những bài cuộc sống, con cũng không nhất thiết phải học từ cha mẹ. Những gì cha mẹ không kịp dạy và không thể dạy, con sẽ học từ cuộc đời.
Phải dám tin như thế, và dám chấp nhận sự thật đó, thì việc dạy con mới không căng thẳng.
Khi đó, ta sẽ có một tiếp cận thoáng đạt hơn về việc dạy con. Đặc biệt, ta sẽ biết cách để đồng hành cùng con.
Quan trọng nhất, ta sẽ hiểu ra rằng: Gia đình phải là hầm trú ẩn của cảm xúc, không chỉ cho con trẻ, mà cho cả người lớn chúng ta.
Chỉ khi đó, những tiếng kêu thắt ruột: "Cứu con em!" mới giảm bớt.
Giáp Văn Dương